Chính thức chuyển từ www.machvanh.com sang www.machvanh.vn và www.machvanh.net     Website đang được xây dựng và hoàn thiện.

Những người quan tâm

Theo tổ chức y tế thế giới, cứ 2 giây có một người chết về bệnh tim mạch, cứ 5 giây có một trường hợp nhồi máu cơ tim và 6 giây có một trường hợp đột quỵ (tai biến mạch máu não).

Tại Hoa Kỳ người ta thống kê rắng, bệnh mạch vành là nguyên nhân gây ra tử vong lớn nhất hàng năm tại nước này.Mỗi năm có hơn 90 nghìn người Mỹ ra đi vì bệnh này.

Tại Pháp hiện có hơn 3 triệu người bị bệnh mạch vành và mỗi năm có hơn 50 nghìn cái chết do bệnh này gây ra

Bệnh mạch vành cũng là dạng bệnh phổ biến bậc nhất của bệnh tim ở Châu Âu. Tại Châu Âu hàng triệu người bị bệnh động mạch vành và hiện bệnh mạch vành đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, gây ra hơn 17,5 triệu cái chết mỗi năm chiếm 30% số ca tử vong hàng năm. Căn bệnh này sẽ làm ảnh hưởng tới sức khỏe, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của con người

Tại Việt Nam, theo thống kê của Hội Tim Mạch Học Việt Nam(6/2010) thì cứ 3 người Việt Nam trưởng thành, 1 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch - chủ yếu là bệnh mạch vành. Nhưng hiện nay, đa số người Việt Nam – kể cả những giáo sư, tiến sĩ đi học nước ngoài về - đều thiếu hiểu biết về bệnh mạch vành và những nguy cơ to lớn do bệnh này gây ra; Nhiều người - kể cả bác sĩ - tới khi đột tử vì nhồi máu cơ tim mà vẫn không hay biết mình bị bệnh mạch vành.

Vì thế tôi lập website http://www.machvanh.com/ này nhằm cung cấp thông tin để mọi người hiểu rõ hơn về mạch vành, về bệnh mạch vành và bệnh thiếu máu lên não ( nguyên nhân gây nên nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não) , cách chữa trị và biện pháp phòng ngừa. Nhằm làm cho trái tim và khối óc của bạn ngày một khỏe mạnh hơn.

Tôi lập website này với tinh thần của của IRWIN J. POLK – Một bác sĩ, chuyên gia về hen suyễn người Mỹ- rằng : “ đối với chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, không gì thành công bằng thông tin kiến thức cho mọi người ”.

Tôi cũng muốn coi việc lập website này như một nén hương lòng gửi tới hương hồn một người, đó là cố giáo sư Tôn Thất Bách. Sinh thời anh đã giúp tôi rất nhiều trong việc nghiên cứu cấu trúc hệ tim mạch - nhất là động mạch vành; anh cũng là người nêu ý tưởng cho tôi dùng Đông y độc lập để chữa trị bệnh mạch vành và thiếu máu lên não... Với tôi anh không chỉ là người thầy mà còn là một người anh, người bạn thân tình.

Trong website này tôi cũng đăng một số đề tài mà tôi đã dày công nghiên cứu và chữa trị thành công trong mấy chục năm qua như chữa hen suyễn khỏi hẳn bằng Đông y, chữa thoát vị đĩa đệm không cần phẫu thuật, chữa vô sinh bằng Đông y, viên Viagra thuần Việt-quà cho quý ông và chữa bệnh Gout v.v…để phục vụ quý vị luôn thể khi ghé thăm “trang nhà” của chúng tôi.

Vì đây là những đề tài chuyên sâu và rất khó đối với y học trong nước cũng như thế giới hiện nay, nên việc trình bày của chúng tôi khó tránh khỏi thiếu sót, có điều gì chưa đầy đủ và thiếu chính xác, xin được các bậc thầy, cùng các đồng nghiệp cũng như các bệnh nhân góp ý, giúp đỡ để trang web ngày càng hoàn thiện hơn. Xin chân thành cảm ơn quý vị.

Vẹo cột sống: Chớ xem thường nguy cơ gù lưng!

Đăng bởi Võ Đình Diên Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

(VietNamNet) - "Gù" sẽ không còn là từ gây ám ảnh với người bệnh vẹo cột sống, nếu họ được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.
Nỗi mặc cảm mang tên "Gù"
Nguyễn Đức Thanh T. sau mổ: Tên "T. gù" sẽ mãi là quá khứ!
Em Nguyễn Đức Thanh T., 17 tuổi, ngụ ở ấp 3 xã Tắc Vân, thị trấn Cà Mau, bị vẹo cột sống tới 93 độ. Em vừa được tiến hành nắn chỉnh cột sống tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (CTCH) bằng kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay. Sau phẫu thuật, em đã cao thêm 11cm, vóc dáng đã trở lại tương đối bình thường.


Thông thường, độ vẹo cột sống khoảng 40 độ đã cần điều trị phẫu thuật. Trên 60 độ được xem như độ vẹo nặng đáng kể. Trong cuốn album hình theo dõi bệnh nhân vẹo cột sống của PGS TS BS Võ Văn Thành, trưởng Khoa Cột sống A thì trường hợp của T. đã được xếp trong nhóm rất nặng. Thế nhưng vẫn có những trường hợp còn nặng hơn: Phần trên cơ thể của họ, nói không quá, uốn cong như hình chữ S. Theo PGS Võ Văn Thành, những trường hợp này là rất nguy hiểm vì các cơ quan nội tạng như tim, phổi của bệnh nhân bị chèn ép, gây suy hô hấp mạn tính và các biến chứng tim, phổi mạn tính, cũng như ảnh hưởng lên các cơ quan khác của cơ thể. Bệnh nhân khó sống qua tuổi 30.
Ngày 11/8, tại Khoa Cột sống A có bốn bệnh nhân nữ, tuổi từ 9-18 đang nằm chờ phẫu thuật. Trong đó, em Lưu Thị V., 12 tuổi, ngụ tại Bình Phước, bị gù vẹo thuộc hàng "top". Em bị biến dạng lồng ngực và phải mang khối u ở trước (148 độ) và sau (135 độ). Mẹ em cho biết: Từ khi bệnh phát triển, V. ăn rất ít và mau xuống ký. Em luôn kêu mệt và khó thở, thỉnh thoảng đau ở phía sau. Hiện tại, V. đang được các BS cho kéo tạ đầu trước khi mổ.
Vẹo cột sống không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tác động nặng nề đến tâm lý và tương lai của bệnh nhân. Thanh T. cho biết: Trước kia, em rất mặc cảm vì có một cơ thể méo vẹo, một bên bả vai gù lên, còn một bên thì lép xẹp. Giờ thể dục, T. "bị" các thầy cô "ưu ái" cho học những môn dành cho nữ. Ngoài ra, còn phải nghe những lời chọc ghẹo ác ý...
Còn V., nằm buồn xo trên giường bệnh, nói với cái giọng của một bà lão 80 tuổi: "Thấy chán đời vì tướng mình không thẳng như các bạn khác". Riêng X.H., 12 tuổi, ở Gia Lai, học sinh trường THCS Tơ Tung bị bạn bè chế giễu, bao nhiêu lần về khóc lóc với mẹ và nằng nặc đòi nghỉ học.Với Nguyễn Vân A., một bệnh nhân 27 tuổi đến từ một tỉnh miền Trung, cái lưng gù ngày càng nặng đã chấm dứt giấc mơ làm diễn viên múa của cô. Không những thế, nó chấm dứt luôn giấc mơ thời con gái có một chàng hoàng tử đến rước đi...
Càng nặng, càng tốn tiền
Theo PGS Võ Văn Thành, tùy mức độ vẹo cột sống mà tiến hành mổ một hoặc hai lần. Sau khi mổ, bệnh nhân phải tránh vận động mạnh như chơi thể thao trong vòng một năm. Bệnh nhân được các bác sĩ theo dõi trong một thời gian dài. Trong ba tháng đầu, bệnh nhân phải được tái khám hàng tháng, sau đó tái khám ba tháng, sáu tháng theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Sau hai năm, có thể tháo dụng cụ ra khỏi cơ thể.
Có thể phát hiện vẹo cột sống bằng mắt thường, qua theo dõi sự khác thường từ phía sau: cột sống cong, vai không đối xứng. Hoặc có thể cho trẻ cúi gập người, nếu bị vẹo, sẽ dễ thấy một bên vai và lồng ngực gù lên.
Tốt nhất, nên đưa trẻ đến BS chuyên khoa để khám nếu có nghi ngờ.
Theo PGS Võ Văn Thành, hiện những trường hợp nặng từ 40 độ trở lên sẽ được phẫu thuật bằng kỹ thuật khoan cột sống lối sau để bắt ốc chân cung hình phễu với các thanh nối dọc để nắn chỉnh và cố định cột sống. Đây là kỹ thuật mới nhất hiện nay, được Bệnh viện áp dụng cách đây hai năm. Trên thế giới, một số nước đã thực hiện như Hàn Quốc (1995), Mỹ (2000).
Từ tháng 4/2002 đến nay, Khoa Cột sống A đã phẫu thuật nắn chỉnh vẹo cột sống nặng cho hơn 25 trường hợp, đến từ mọi miền đất nước như Bắc Giang, Cao Bằng, Hà Nội, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Rạch Giá, Cà Mau... bằng kỹ thuật mới này. Bệnh nhân giảm độ vẹo đáng kể và có một cuộc sống bình thường hơn. Qua các nghiên cứu trong và ngoài nước, phương pháp này có thể duy trì độ nắn chỉnh tốt, cấu hình dụng cụ bền vững, thời gian mổ ngắn hơn, ít tốn máu so với các phương pháp khác như dùng bảng móc vào xương sống.
Cái giá để có những kết quả trên? Chỉ tính riêng tiền dụng cụ, bệnh nhân phải trả từ 40-60 triệu đồng.
Đến nay, 70% bệnh nhân mổ tại BV đã được Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP.HCM, Hội Doanh nghiệp Nhật Bản... hỗ trợ tiền dụng cụ vì gia đình bệnh nhân quá khó khăn. (Sau giờ mổ, BS Thành vẫn phải lụi hụi làm công văn xin tài trợ bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh.)
Tuy vậy, gia đình bệnh nhân vẫn phải lo các chi phí khác như tiền viện phí, tiền sinh hoạt. Người nhà của một bệnh nhân chung phòng với em V. cho biết chị phải bán luôn con bò, mua từ vốn cho vay của Quỹ Xóa đói, giảm nghèo để đưa con vào viện. Còn mẹ của em V. thì dù phải bán hết bò, hết ruộng cũng không đủ chạy tiền viện phí cho con. Chị đang tính đến phương án bán luôn căn nhà rách nát, dù người mua cố tình ép giá. "Thấy con bệnh nặng thì mình phải lo, chứ bán nhà rồi cũng chẳng biết ở đâu!" - chị sụt sịt tâm sự trong nước mắt.
Cần quan tâm và can thiệp kịp thời
Qua tìm hiểu, những trường hợp được mổ tại Khoa Cột sống A thường không được phát hiện sớm. Hoặc phát hiện sớm nhưng bác sĩ lại đánh giá độ vẹo sai hoặc điều trị không đúng. Như em V., gia đình phát hiện em bị vẹo lúc bốn tuổi nhưng một BS ở nơi em sinh sống cho rằng trường hợp của em chưa cần can thiệp. Khổ thay, đến nay tình trạng của V. đã là quá trầm trọng!
Theo PGS Võ Văn Thành, ở tuổi dậy thì, bệnh diễn tiến rất nhanh nên nếu phát hiện sớm, can thiệp kịp thời, sẽ làm giảm những tác hại về sau. Những bệnh nhân bị vẹo cột sống dưới 40 độ sẽ được theo dõi hoặc mang nẹp chỉnh hình. Với những bệnh nhân bị vẹo trên 40 độ, nếu mổ sớm thì nguy cơ càng thấp, sử dụng dụng cụ ít, giảm chi phí. Còn khi độ vẹo đã quá cao, việc phẫu thuật dĩ nhiên sẽ trở nên phức tạp và khó khăn.
Bị vẹo cột sống nặng, nếu không được mổ kịp thời, Lưu Thị V sẽ khó sống qua tuổi 30.
Các bệnh nhân phải mổ chỉnh hình thường mắc bệnh vẹo cột sống cấu trúc. Bệnh này có nhiều nguyên nhân như bẩm sinh (có tính di truyền), bệnh lý (sốt bại liệt, còi xương, dị tật...) và vô căn (không rõ nguyên nhân), trong đó trường hợp vô căn là thường gặp nhất. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bỏ qua các trường hợp vẹo cột sống tư thế (do bàn ghế không đúng quy chuẩn, kiểu ngồi không đúng cách...) thường thấy ở các em học sinh. Bởi vì nếu không phát hiện, để bệnh phát triển nặng sẽ diễn biến nặng.
Những cảnh báo này rất đáng quan tâm. Tuy nhiên, "vẹo cột sống còn là một bài toán khó về điều trị phẫu thuật lẫn những vấn đề về xã hội - kinh tế, không những đối với bản thân, gia đình bệnh nhân mà còn đối với công tác quản lý cộng đồng xã hội. Nhất là khi những người làm công tác y tế chưa được tập huấn chuyên môn đầy đủ và các con số thống kê chưa thực sự mang tính hệ thống và có ý nghĩa." - PGS Võ Văn Thành nói.
Hiện nay, cả nước chưa có một chiến lược tầm soát vẹo cột sống trong cộng đồng có hiệu quả, nhất là ở lứa tuổi đang đến trường. Ở TP.HCM, năm 2003, Bệnh viện CTCH đã điều tra tình hình vẹo cột sống của học sinh ở một số trường học tại quận Tân Bình. Kết quả điều tra cho thấy đã có đến hơn 1/2 trên tổng số 4.000 học sinh bị vẹo cột sống. Đó mới chỉ là điều tra ở một quận...
Trong khi đó, một điều tra khác của Trung tâm Sức khoẻ và Môi trường TP.HCM đối với học sinh phổ thông ở quy mô toàn thành phố thì tỷ lệ vẹo cột sống ở trẻ là 32%.
Điều lạ lùng là, theo báo cáo của các quận, huyện thì tỷ lệ học sinh bị vẹo cột sống chỉ có từ... 0,05-17%!
Như vậy, số liệu nào đúng: Số liệu do các cơ quan chuyên ngành công bố hay số liệu báo cáo từ các quận, huyện? BS Phạm Thị Nguyệt Ánh, một chuyên gia trong lĩnh vực này và hiện là phó Khoa Y tế Lao động Học đường (Trung tâm Sức khỏe Lao động và Môi trường TP.HCM) cười chua chát: ?Nhiều đơn vị y tế quận, huyện đã khám không đúng, hoặc không khám nhưng... ghi bừa!?.
? Vân Điển

0 Nhận xét

Đăng nhận xét

Nhấp vào hình để phóng lớn.

Đại Tá Võ Đình Diên

SĐT: 0982 929658
Địa Chỉ:
-Trước đây: Tập thể 16, Ngô Quyền,Tràng Tiền, Hà Nội.
-Hiện Nay: 23A Đường 2, Khu phố 3(Làng Báo Chí), Phường Thảo Điền, Quận 2, TP Hồ Chí Minh

Email:vuan58@gmail.com

Lưu Trữ

Gọi: 0982 929 658